0936.336.328

Giới trẻ với nghề chế tác trang sức

Có những người trẻ mỗi ngày được cầm trên tay không biết bao nhiêu là vàng bạc, đá quý. Nghề mà họ đang làm được cho là rất sung sướng, nhưng sự thật có phải vậy?

Đằng sau sự lấp lánh là những đánh đổi về sức khỏe

Ðam mê chế tác trang sức từ bé, Bạch Trọng Khôi (21 tuổi, ngụ P.3, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết đã theo nghề “làm đẹp cho thiên hạ” hơn 4 năm. Không học qua trường lớp, Khôi tự tìm hiểu theo kiểu “nghề dạy nghề” tích cóp kinh nghiệm dần dần rồi thành thục. “Bản chất nghề kim hoàn là cha truyền con nối nên bí quyết không truyền ra ngoài, do đó mình phải đến gặp nhiều thợ thâm niên rồi bái sư. Ghi nhớ cách họ chế tác rồi tối về mang dụng cụ ra luyện tập cho đến khi có thể làm được 1 sản phẩm hoàn chỉnh”, Khôi chia sẻ.

Những người trẻ làm việc với vàng bạc, đá quý - Ảnh 1.

Có những người trẻ suốt ngày được cầm trên tay nhiều vàng bạc, đá quý

Thượng Hải

Ðể làm ra 1 chiếc nhẫn, Khôi sẽ thực hiện hơn chục công đoạn khác nhau, như: thiết kế, tạo mẫu sáp, nung kim loại, giũa, đính đá, mài bóng… cùng vô số đồ nghề như: kính lúp, nhíp, búa, cưa, đục, máy cán, kìm đầu nhỏ… Trung bình Khôi làm 1 món trang sức tầm 7 – 10 ngày và chỉ cần sai một lỗi nhỏ dù ở bước cuối cùng cũng phải làm lại từ đầu.

Ðể học nghề kim hoàn, bất cứ ai cũng phải làm quen với lửa, vì cần dùng đèn khò nối với bình xăng để nung chảy vàng bạc, nên những rủi ro về bỏng hay cháy nổ rất cao. Ngoài ra, da tay của người thợ sẽ không lành lặn do những vết thương từ mũi khoan cắt hoặc mài giũa gây ra khi chế tác trang sức. “Ngày mới sử dụng đèn khò nung bạc, do chưa quen nên có lần mình đã làm bình xăng nổ tung. Vì thế khi làm nghề này phải rất cẩn thận”, Khôi kể.

Những người trẻ làm việc với vàng bạc, đá quý - Ảnh 2.

Công việc chế tác trang sức đầy vất vả cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo nghề được 3 năm và là thợ nữ hiếm hoi, Trần Mỹ Dung (30 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) cho biết ban đầu khi xin học nghề tại các tiệm vàng thì không chỗ nào nhận, vì cho rằng con gái theo nghề này sẽ khổ. Nhưng cuối cùng, Dung tìm được một trung tâm dạy nghề kim hoàn ở chợ Thiếc (Q.11, TP.HCM).

“Muốn làm kim hoàn phải thật sự đam mê vì đằng sau vẻ lấp lánh của món trang sức là sự đánh đổi về lòng kiên nhẫn và sức khỏe. Mình từng làm 1 mặt dây chuyền đính nhiều đá quý trong 5 ngày, đến bước cuối cùng chỉ vì làm hỏng mà phải làm lại hết, mình nản rồi bật khóc và không muốn làm nữa”, Dung bày tỏ.

Cô cũng cho biết thêm làm nghề này ngoài việc phải hít bụi kim loại, mùn cưa, còn có khí độc từ a xít, hàn the, phèn chua khi nung hoặc thử vàng bạc, đá quý. Ðặc biệt, công đoạn xi mạ cuối cùng chỉ dành cho người đã lập gia đình vì còn trẻ rất dễ bị vô sinh.

Chính vì  vấn đề độc hại và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của những người thợ nên bản thân họ và những người làm chủ vẫn luôn mong có những sản phẩm thân thiện với môi trường và sức khỏe con người để thay thế những sản phẩm độc hại trong quá trình gia công như axit, hàn the, phèn chua… Và hiện nay cũng đã có một số sản phẩm như vậy có nguồn gốc từ Thụy Sỹ và đặc biệt là Singapore.

Thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng

Tìm học nghề sau khi vừa tốt nghiệp THPT, Trần Hữu Quang (23 tuổi, ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM) chia sẻ, ban đầu chọn công việc này vì nghĩ sẽ không cần quan tâm mối lo cơm áo gạo tiền và có thể mở được tiệm vàng trong tương lai. Tuy nhiên, Quang đã vỡ mộng ngay sau đó.

“Lúc đầu, mình không nghĩ đây là công việc nặng, nhưng khi trải qua quá trình chỉ làm 1 món trang sức nhỏ mà lại có vô số công đoạn kéo dài gần như hết cả tuần và chứng kiến tai nạn cháy nổ khiến mình muốn từ bỏ. Nhưng nhờ sự động viên từ mọi người và ý chí của bản thân mà mình mới theo nghề đến hôm nay”, chàng trai này chia sẻ.

Những người trẻ làm việc với vàng bạc, đá quý - Ảnh 3.
Những người trẻ làm việc với vàng bạc, đá quý - Ảnh 4.
Những người trẻ làm việc với vàng bạc, đá quý - Ảnh 5.

Tỉ mỉ với từng công đoạn

Sau 4 năm làm thợ kim hoàn, Trọng Khôi cùng chị gái là Bạch Mai Vy (26 tuổi) đã thành lập thương hiệu chế tác trang sức của riêng mình với doanh thu 300 triệu đồng/tháng. Vào thời điểm quyết định khởi nghiệp, chính Mai Vy là người đã truyền động lực và định hướng cho em trai sau khi tìm hiểu được sự tiềm năng mà công việc này mang lại.

“Tùy vào công sức và độ tinh xảo của món trang sức, người thợ có thể được trả công từ 200.000 – 2 triệu đồng/sản phẩm và có thể kiếm được gần 20 triệu đồng/tháng. Theo đuổi nghề này phải có sự nhẫn nại, bền bỉ và năng khiếu về thẩm mỹ, vì mình đã từng nhận rất nhiều bạn trẻ đến tiệm để học nghề nhưng chỉ sau 2 – 3 tháng là từ bỏ vì không chịu nổi áp lực”, Mai Vy cho hay.

Tuy nhiên, theo Mai Vy: “Có những khách hàng đặc biệt nhờ làm nhẫn cầu hôn và mình được đồng hành cùng họ từ khoảng thời gian phác thảo ý tưởng, hoàn thiện cho đến lúc họ háo hức trao món quà ấy cho người yêu. Nhờ những câu chuyện như thế đã khiến mình thêm yêu công việc đang làm và giữ đam mê đến hiện tại”.